Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Make water

Ối dzồi ôi ! nhà cháu dzân quê nên quen thói make water vào gốc cây cho ló mát mẻ mà lại có tí u dê, u diếc, nờ hát nờ hiếc cho cây. Nịch sự thì thăm Uy li am Cường (đấy là mấy đứa mất dạy nó xỏ tên nhà cháu chứ thực là cái WC). Thế nên hôm hổm tí nữa cháu phải dịn, dưng uống bia nhiều quá cháu phải niều. 

Chả là thế này, có mấy anh đối tác (nói thế cho nó sang mồm) mời cháu đi bia hơi ở đâu dư là nhà hàng Bia Tiệp tên Bờ len gì đó (các bác cần thì gúc phát ra ngay và luôn). Bia ngon lại phờ zi nên cháu làm đôi vại, xong đâu đấy thấy tưng tức bèn ngó em ẻm xinh xinh đương rót bia nháy nháy mắt làm duyên. Ô, thế mà em í hiểu cháu muốn gì, tủm tỉm cười, thế mí tài. Xong em đưa tay ra mời rồi mở cửa, thầm thì nhẹ nhàng vào tai nhà cháu, trỏ đi thế này, rẽ thế kia ... Nhà cháu định đứng lại chả đi nữa để nghe cái giọng thủ thỉ ngọt ngào của ẻm, dưng bất quá lại phải chia tay trong nuối tiếc. 
Bước vô Uy li am Cường cháu vội vàng, vội vàng …. người cứ thấy nhẹ dần khoan khoái, xong quay ra định bụng dửa tay cho nó thanh lịch tí. Vừa đến gần cái chậu rửa, mắt còn đang lim dim tận hưởng cảm giác thanh thoát bỗng giật bắn người, tý ngã vì có thằng cu em wear uniform đẹp đẹp là cầm lọ giơ ra trước mặt nhà cháu bóp bóp “em mời anh”. Định thần lại nhà cháu mới hiểu là nó mời mình dùng nước rửa tay. Ối dzồi, thế chẳng hóa ra nãy giờ nó phục xem mình ấy à, nghĩ thế nhà cháu cứ thấy ngượng ngượng là nhưng cũng lí nhí giả nhời “anh sin”. Nó nhanh nhẹn bật nước cho mình rửa rồi đưa khăn cho mình lau khô tay. 

Bâng khuâng, bâng khuâng nhà cháu rời khỏi Uy li am Cường mà thắc mắc nghề thằng cu này gọi là gì nhể ? Mấy thằng mang uniform đứng ngoài thì gọi là “bảo vệ” có nhẽ nào thằng này gọi là “bảo đái”. Ờ mà hôm đó nhà cháu make water, chứ nhà cháu mà “xử nặng” thì ra làm sao các bác nhể ?


(ảnh chỉ mang tính minh họa)

Canh khoai ngứa

      Nhiều món ăn trước đây được liệt vào loại linh tinh, khó ăn  không chỉ vì nguyên liệu làm ra món ăn ấy được tận dụng từ những thứ bỏ đi, những thứ người ta chỉ sử dụng trong chăn nuôi mà cái vị của nó cũng khác lạ thật. Ấy vậy mà giờ thì khác đấy, "đặc sản" chứ chẳng đùa, khoái khẩu ngay cả với những người mới lần đầu thưởng thức.

     Nói không quá, Khoai ngứa (từ này là người Ninh Bình và những khu vực giáp ranh sử dụng để gọi cây khoai nước), cái thứ chỉ trồng ở bờ ao, bờ mương hay rãnh nước ngứa kinh khủng, lợn cũng chả ăn sống được, phải nấu chín vậy mà là món ngon đấy. 

     Đầu những năm tám mươi khi chúng tôi còn ở khu tập thể của thị xã. Nơi giữa những dãy nhà cấp 4 lụp xụp có những khoảnh đất để làm vườn, trồng đủ các loại rau. Dọc theo đầu hồi các dãy nhà là đường đi chung, có rãnh thoát nước ở cả hai bên. Đường đất, mọi người vẫn tận dụng những dải đất hẹp bên rãnh nước để trồng khoai ngứa nuôi lợn. Cây khoai ngứa không ăn được là đương nhiên, nhưng những cái mầm của nó (ngó khoai) nần nẫn, mập mạp có cái dài dễ đến nửa mét thì lại là chuyện khác. Bọn trẻ con chúng tôi vặt hết về nấu canh, chậm là nó mọc thành cây ngay, chỉ còn nước lấy về cho lợn.




     Ngó khoai được đem về, tước sạch vỏ ngoài, ngắt ra từng khúc ngắn chừng năm phân rồi ngâm vào chậu nước muối cho thôi ra hết nhựa đen và bớt ngứa. Có nhẽ ngứa hơn cả là loại khoai nước tầu màu tím, lá xanh đậm trồng chỗ cạn, ngứa thì phải biết. Còn loại khoai thân trắng, lá xanh nhạt nhất là lại mọc ở những chỗ có sẵn nước, đỡ ngứa hơn thì phải. Nhặt ngó khoai quả là một việc đáng chán. Chỉ một chốc là ngón tay đen sì đầy nhựa. Khi đã bị ngứa chớ có dại  mà dùng tay để gãi, càng gãi càng ngứa. Chịu khó một tí cọ vào đâu thì cọ, không thì rửa sạch tay rồi hẵng gãi. 

     Sau khi ngó khoai được ngâm, rửa sạch được cho vào nồi luộc sơ qua. Ngó khoai là loại thân thảo lại non nên rất chóng dừ, quá lửa một chút là nát bét. Luộc xong, rửa qua tí nước lạnh rồi để ráo, lúc này là nấu canh được rồi. Những năm xưa canh ngó khoai cũng chỉ nấu xuông với mẻ, mắm tôm và rắc thêm vài  sợi tía tô thái chỉ, thế là ngon rồi. Bây giờ, có điều kiện nên canh ngó khoai thường được nấu với hến, ngao, ốc, thịt ba chỉ. Nhưng có lẽ nấu với hến và ngao là ngon hơn cả, vừa mềm vừa mát.

     Nói đến gia vị của canh ngó khoai điều không thể thiếu đó là mẻ. Mà mẻ phải là mẻ dử chứ thứ mẻ bây giờ mua ngoài chợ đựng trong mấy bình nhựa vừa loãng tòen toẹt vừa không chua mà cũng chẳng thơm. Dù mẻ là thứ cơm thiu để lên men nhưng muốn dử được liễn mẻ ngon có nhiều cái mẻ (những con vi sinh vật bò loằng ngoằng trong liễn) phải có mẻ cũ. Nếu không phải dùng cơm  nấu chín nục, để cho âm ấm rồi trộn với nước cơm vừa độ, sao cho sền sệt rồi đậy kỹ cất đi. 

     Có mẻ rồi, dứt khoát không thể thiếu mắm tôm. Mẻ cho càng chua càng ngon, nhưng mắm tôm thì chỉ cần phơn phớt là vừa độ, đổ vào xào với khoai lúc còn nguội cho đỡ mùi. Nước canh là nước luộc hến/ngao thì ngọt không còn gì bằng. Hến/ngao phải được làm sạch ướp mắm, mì chính, tiêu một lúc rồi phi thơm hành mỡ, xào hơi săn mới giữ được độ giòn, độ đậm, sau khi canh được thì đổ vào.

     Vị của bát canh khoai ngứa không thể lẫn vào đâu được, có mùi thơm của mẻ, của lá tía tô, của hành phi. Khi ăn có vị chua chua, ngòn ngọt quyện vào miếng ngó khoai mềm mềm, dơn dớt trôi tuột xuống cổ lúc nào không hay. Ăn xong miếng canh sẽ thấy khoang miệng tê tê nhè nhẹ. Sâu hơn chút nữa là cảm giác hơi lăn tăn, ngưa ngứa ở cổ họng.


     Canh khoai ngứa là thế, ngon, mát, bổ và cũng là lạ. Đơn giản nhưng khó quên như những gì xưa cũ vậy.


                                                 (Canh khoai ngứa nấu ngao)

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Lại nói chuyện facebook


Mấy hôm nay các trang mạng và facebook liên tục nói về cách hành xử của nhiều nam thanh nữ tú Việt Nam thực hiện chiến dịch “Việt Nam điểm danh” trên FB cá nhân của ông Bill Gates rồi các fanpage anti Quang Anh thằng bé quán quân The Voice Kids … tự dưng lại thấy buồn, thấy chán, thấy lo …
Khi tham gia FB đương nhiên ai cũng muốn có bạn, cũng  muốn những gì mình đăng được người khác quan tâm đọc, comment, like or share. Đó cũng là mục đích của mọi người khi tham gia mạng này. Bên cạnh những chia sẻ, quan tâm đúng mức đến mình của bạn bè, người quen và người lạ (không kết bạn) thì dường như ai cũng bị dính những comment không mong muốn nhẹ thì vu vơ không đâu, chẳng ăn nhập gì, lạc lõng vô duyên với những gì mình đăng, nặng thì dính phải chỉ trích thô tục, khiếm nhã xúc phạm, chửi rủa  … đủ thứ trên đời. Nạn nhân thì bất kể ai, nhiều nhất là các vị được người đời biết đến (người của công chúng), ai cũng ít nhất một lần than vãn kêu ca, kể cả những người có tuổi, những người có lẽ rất điềm tĩnh trong cuộc sống, trong phát ngôn nói năng nhưng rồi thì cũng không thể chịu đựng nổi sự tấn công của lũ trẻ trâu, buộc phải lên tiếng khi thì nói thẳng, khi thì block … vv  đủ kiểu nhưng cũng chỉ đỡ đi phần nào sự phiền toái, bực dọc không đáng có.
Ôi ! rồi mọi thứ sẽ đi về đâu ? FB đã vậy, các mạng xã hội đã vậy còn báo chí thì sao ? ngoài cướp – hiếp – giết nào là “Nhói lòng …”, “Choáng váng …”, “Giật mình …”, “Phát sốt …”, “Run rẩy …”,  “Trần tình ….”, “Trải lòng …”, “Bỏng mắt …”, “Nhức mắt …” … thì có những gì ? phần lớn thấy a dua a tòng tổng hợp, ăn theo các trang mạng xã hội, bờ lóc bờ leo, phây búc phây beo …. có ai phát biểu gì khác là nhảy xổ vào mổ vào xẻ lanh tanh bành, như kiểu đi bán gạch đá cho trẻ trâu ném như kiểu sống chết mặc bay tiền thầy đút túi.  Rất ít những bài có định hướng về văn hóa, thẩm mỹ nghiêm túc, có giá trị cho độc giả. Những người lớn tuổi có nhiều trải nghiệm có đủ trình độ nhận thức, bản lĩnh thì còn biết đường chắt lọc chứ lũ con nít thì biết chắt cái gì, lọc cái gì ? … Chán !                         
Có người bảo FB quá hổ lốn, tạp nham như bãi rác về nhân cách Việt thời @.

Từ bữa tham gia FB mình đã thấy rồi, lũ trẻ trâu nhiều vô thiên lủng.  May quá, mình chẳng để cho người lạ comment và trang cá nhân nên cũng chưa gặp phải đứa trẻ trâu nào trên FB. Nhớ lại năm ngoái khi còn tham gia trang “truongxua”, một hôm có cái tin nhắn lạ, mở ra thấy có mỗi câu “dcm mày !” của một thằng trẻ trâu nào đó, xóa ngay khỏi hộp thư. Dưng mà, dcmnc vẫn tức đến mấy tuần mới nguôi. Giờ thì chẳng biết cái “truongxua” là cái gì nữa rồi.

Gạch đá trên FB mình chưa nhận được, ít nhiều đã thấy được một số thứ hay hay, có ích cho nhận thức, thêm phần hiểu biết về văn hóa, thẩm mỹ, góp thêm ít "xi măng, cát, sỏi" xây dựng củng cố quan hệ, tình cảm ... cũng chả cần gì hơn.


Còn sống là còn hi vọng.