Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Lớp vỡ lòng


           Cuối những năm bảy mươi, đầu tám mươi trường cấp một hai nơi  chúng tôi học là trường hoành nhất thị xã, tương đương với trường chuẩn quốc gia bây giờ, nhưng vẫn nghèo lắm. Trường vẫn còn mấy dãy nhà thấp lè tè, lợp giấy dầu thủng lỗ chỗ. Mùa hè thì nóng như nung, mặt trời thiêu đốt làm mái giấy dầu mềm nhũn, sặc mùi nhựa đường. Mùa mưa thì thôi rồi trong lớp tối mù mù chẳng nhìn thấy gì. 

(ảnh trên mạng chỉ mang tính chất minh họa)

      Bọn trẻ chúng tôi chỉ thích có mưa. Mưa to quá là chúng tôi được nghỉ giải lao để nghịch vì có nhìn thấy gì đâu mà viết vả lại mái nhà có nhiều chỗ dột nước mưa giỏ tí tách ướt hết cả sách vở. Mỗi lần mưa to trong lớp nước đọng thành vũng trên nền đất, đi không khéo trơn ngã là chuyện thường. Ngoài sân nước không thoát kịp dềnh lên như cái ao, lúc tan học tha hồ cho lũ chúng tôi đùa nghịch. Ngày đó bọn trẻ con chúng tôi sách vở nhẹ lắm, vài ba quyển nhét vào túi vải đểu hay túi đan bằng cước xách toòng teng. Tôi oách hơn lũ bạn là có cái xà cột bằng da nâu nhiều ngăn, có quai khoác chéo qua vai trông như cán bộ. 

       Lũ trẻ con ngày ấy đi học mà như đi chơi chẳng phải lo gì, đứa nào ngu quá thì ở lại lớp, đúp vài ba năm cũng chả sao học sau cả em  mình mà vẫn cười phe phé. Không như bây giờ có bị đao nặng muốn học lại, bố mẹ xin cô cho đúp cũng không được, thế mới lạ.
        
     Dạy chúng tôi năm vỡ lòng là bà Tiệp. Chả phải tôi hỗn mà gọi cô giáo là bà, gọi thế đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Năm ấy bà Tiệp có nhẽ ngoài năm mươi, mặt mũi đã nhăn lắm rồi lại hay mặc những đồ nâu nâu, tôi tối và đặc biệt là lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Thi thoảng bà đưa tay vuốt xung quanh miệng rồi búng cái tách cho nước cốt trầu bắn chíu xuống đất. Lâu lâu đang viết bảng bà quay ngang mặt nhổ cái toẹt xuống nền lớp. May mà ngày ấy còn nghèo nền lớp là nền đất, một lúc thấm hết nước cốt trầu chỉ để lại đám đất nâu hơn chỗ khác một chút, chứ bây giờ nền nhà bằng gạch hoa bóng loáng thì chả biết thế nào.


(Giáo Tiệp cũng ăn trầu như này)
   Lũ học trò nhi đồng chúng tôi sợ bà Tiệp lắm. Ngày ấy tôi thấy khuôn mặt bà chả có gì là phúc hậu, mỗi lần bà trừng đôi mắt lòng trắng nhiều hơn lòng đen nhìn chúng tôi, đứa nào đứa đấy run như giẽ, đứng không vững. Giọng bà Tiệp thì thôi rồi the thé, rin rít, mỗi lần bà ấy nói hai hàm răng cứ dính chặt vào nhau không chịu rời ra. Vô phúc cho đứa nào trong giờ học mà nghịch để bà ấy nhìn thấy quát cho một cái, ngồi không vững đảm bảo ngã ngửa là cái chắc.
   
    Cái sự dạy dỗ của bà cho chúng tôi đến giờ tôi quên sạch, chả nhớ gì. Duy chỉ có một điều muốn quên cũng không được, ba mươi mấy năm nhưng nó vẫn cứ như mới xảy ra ngày hôm qua. Chả là thế này, tôi được xếp ngồi đầu bàn, phía ngoài cùng cạnh lối đi ở giữa lớp, bà Tiệp cho tất cả những đứa ngồi đầu bàn như tôi là bàn trưởng có quyền xử lý các bạn cùng bàn. Ngồi bên cạnh tôi là cái Mẫn, khuôn mặt nó tròn tròn bầu bĩnh, mắt một mí hơi him híp, nó cũng đen đen cỡ như tôi. Cái Mẫn ít nói chỉ lặng lẽ lầm lỳ cắm mặt vào tô tô, viết viết. Chữ nó đẹp lạ, tròn xoe, đều tăm tắp tôi phục lắm, chả bù cho tôi, chữ xấu tệ đến tận bây giờ vẫn thế nhiều khi đọc lại tôi không biết mình viết gì, thế mới tài. 

      Nhưng cái Mẫn có một tội lớn, rất lớn mà đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao đó lại là tội. Nó viết bằng tay trái. Chuyện viết bằng tay trái chả có gì ghê là gớm lắm có nhẽ thế, nhưng với lũ nhi đồng chúng tôi lúc bấy giờ đó là tội lớn, chẳng thế mà bà Tiệp lại ra lệnh cho chúng tôi (những đứa bàn trưởng) là được phép sử dụng hình phạt nặng nhất đối với cái tội ấy - đó là điều bắt buộc. 
      
      Lũ nhi đồng, không chỉ ngày trước mà ngay cả bây giờ khi xã hội đã rất phát triển, rất tiến bộ thì ý của cô giáo còn hơn cả ý trời (điều này tôi giám đảm bảo). Trong giờ học tôi vừa viết tôi vừa lăm lăm cái thước kẻ dài khoảng 30 phân bằng gỗ, to như ngón tay người lớn trong tay, chỉ chực cái Mẫn chuyển sang tay trái để viết là con thú hoang trong tôi trỗi dậy thực hiện cái mệnh lệnh đã được  bà Tiệp ban ra ... vụt, vụt, vụt .... thẳng cánh không hề thương tiếc.

      Khốn nạn thật, lúc bấy giờ tôi lấy đó là niềm vui thú còn cái Mẫn không bao giờ khóc thành tiếng, môi nó chỉ mím chặt nước mắt lã chã, lã chã rơi xuống vở .... bà Tiệp nhìn tôi với ánh mắt kích lệ.
     
      Năm sau lên lớp một tôi không còn ngồi cạnh cái Mẫn và bà Tiệp cũng không còn dạy chúng tôi nữa mọi thứ tôi quên dần, quên dần chỉ còn đọng lại câu hỏi trong đầu đến giờ chưa có lời giải đáp là: tại sao cái Mẫn lại có tội ? tại sao bà Tiệp lại dạy tôi trở thành một con thú ?

      Mẫn ơi tha lỗi cho tôi nhé !

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Em




       Em mãi là
           Thiếu nữ trong tranh