Đã nhiều năm sống ở Hà Nội, nhưng tôi chưa cảm nhận được nhiều về những nét đẹp của Hà Nội. Cách đây hơn một tháng, Toản - một anh bạn cũ có hẹn sẽ đưa tôi đi để biết thêm một nét đặc trưng, thơ mộng của thành phố này. Đầu giờ chiều một ngày cuối tuần, Toản gọi điện cho tôi: “Ông có rảnh không ? tôi đưa ông đến chỗ này hay lắm”. Tôi cảm thấy vừa háo hức, vừa tò mò nên đồng y ngay.
Đi hết đường Thanh Niên chúng tôi rẽ vào đường Yên Hòa, vòng vèo trong làng Yên Phụ một đoạn, Toản bảo tôi “Ra khu bán đảo mới có view đẹp”. Thì ra hôm nay Toản đưa tôi đi ngắm chiều Hồ Tây. Dừng xe ở một quán cà phê ven hồ Toản nói: “Ông thấy chưa, ngồi chỗ này mới nhìn được toàn cảnh hồ lại yên tĩnh, thế mới sướng”, hai thằng chọn bàn ngay sát mép hồ, lấp loáng những bông hoa nắng xuyên qua tán cây trứng cá xòe rộng.
Chiều cuối thu nắng vàng rực, lấp lánh trên mặt hồ. Nắng không gắt, thanh và nhẹ, mặt nước trải rộng trước mặt, những con sóng nhỏ lăn tăn đuổi nhau từng đợt, xô vào kè đá. Đã lâu tôi chưa được cảm giác thư thái, nhàn tản trong một không gian yên tĩnh, lắng đọng và cùng đàm đạo với bạn bè ở một nơi đẹp như thế này. Trong lúc lặng nghe từng giọt cà phê nhỏ tí tách, giọng Toản chìm xuống, chậm rãi: “Chiều Hồ Tây đẹp nhất là lúc mặt trời sắp lặn, nhìn những tia nắng cuối cùng dần tắt trên mặt nước mênh mông nó mới thú, nhất là mùa này cái khoảnh khắc ấy nó nhanh lắm ông ạ”.
Trước mặt tôi, người đàn ông nhỏ nhắn, nhìn hơi có tí phủi mà tôi đã quen và chơi với nhau gần 30 năm nay làm tôi quá đỗi bất ngờ. Ẩn sâu trong cái vẻ bề ngoài xù xì, gai góc luôn tất bật với cuộc sống mưu sinh hàng ngày ấy là cả một tâm hồn lãng mạn, sâu lắng. Ngồi nhâm nhi cà phê, Toản vừa chậm rãi giảng giải cho tôi cảm nhận về của hắn về những nét đẹp của Hồ Tây. Với Toản, Hồ Tây luôn đem đến nguồn cảm hứng bất tận, dạt dào, mãnh liệt và luôn có sự biết chuyển theo mỗi một mùa trong năm. Hắn nói những chiều cuối thu được nhìn ngắm sóng nước như dát vàng, lấp lánh, lung linh trên mặt hồ làm lay động đến nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn, con người làm cho hắn như tan chảy, hòa vào sóng – nước – hoàng hôn, phiêu diêu trong cõi hư vô, không còn thực tại, không còn muộn phiền. Còn ngắm Hồ Tây trong những chiều đông bầu trời xám xịt, từng con sóng lớn vỗ vào bờ dàn dạt, tung bọt trắng xóa, tự dưng lúc ấy có cảm giác hồ trở nên rộng như biển, con người chợt nhỏ lại, đơn côi trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Chính ở cái thời khắc ấy hắn cảm thấy như chạm được vào cái mênh mang của đất trời. Thiên nhiên như thấm đậm vào từng thớ thịt, đường gân trong hắn theo từng cơn gió lạnh ào ào táp vào mặt.
Rồi Toản kể cho tôi nghe những món ăn ngon của Hồ Tây, những món mà không phải ai cũng biết, đơn giản thôi nhưng đã một lần thưởng thức trong đời thì không bao giờ quên. Hắn bảo nói đến Hồ Tây là phải nói đến ốc, cá chép và tôm, những món ăn đã thành thương hiệu. Nhưng cái ăn cũng phải đúng chỗ, đúng thời điểm thì mới cảm nhận hết được cái hay, cái thú, cái hương vị đặc trưng của nó. Những chiều cuối thu mà ngồi cùng bạn bè trong quán nhỏ ven hồ, nhâm nhi chén rượu, ăn bát ốc hấp, mấy con tôm nướng và nồi cá chép om dưa thì không còn gì bằng.
Chiều đã dần buông, mặt trời đỏ rực chầm chậm rơi, chợt vẳng nghe trong không gian tĩnh lặng câu hát:
“Chiều như chậm rơi chậm rơi
Sóng bồng bềnh bồng bềnh
Sương giăng đỉnh núi mờ xa
Phủ Tây Hồ bâng khuâng huyền thoại …
“Ông đã cảm nhận được cảm xúc của Phú Quang khi sáng tác bài này chưa” Toản hỏi. Lúc đó tôi chưa biết trả lời hắn thế nào, đành nói: “Ông viết cái gì hay hay về Hồ Tây đi”, hắn cười cười nhìn tôi rồi nói tiếp: “Tôi là nông dân, ông mới là nhà văn nên hôm nay tôi đưa ông đi tìm cảm hứng sáng tác, cảm hứng có rồi, tứ cũng có rồi ông viết bài đi”. Tôi nói với hắn: “Tôi có biết viết lách gì đâu mà ông bảo tôi viết, khác gì ông bảo thằng thợ cày nó làm thơ, bố nó cũng chả làm được”. Toản im lặng, quay mặt ra hồ, ánh mắt xa xăm dõi theo bóng con le le đang bay là là trên mặt hồ, khuất dần vào hoàng hôn. Một lúc sau Toản nói “Cảm hứng thì thôi cũng có đấy nhưng viết lách nó cũng phải có cái duyên, tôi chưa có duyên ông ạ”. Nói đến chuyện viết lách mắt Toản lại sáng bừng lên phân tích, giảng giải về cách sử dụng ngôn từ, cách viết truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, kí sự …vv . Hắn nói lúc thầm thì, lúc to, lúc nhỏ và cũng không cần biết tôi có hiểu được gì không. Tôi lặng nghe Toản “nông dân” nói về văn chương, nói về những điều tôi còn mù mờ, còn chưa phân biệt được.
Trời đã tối hẳn ánh điện xung quanh hồ lung linh, huyền ảo rồi Toản hẹn một ngày gần nhất sẽ đưa tôi đi cảm cái thú trong ẩm thực Hồ Tây. Chúng tôi chia tay nhau, bóng anh “nông dân” hòa vào dòng đời hối hả, khuất dần trong đám đông.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét