Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Ngày của phụ nữ

Đưa thằng bé đi học
Nó mới hỏi - bố ơi
Hôm nay hoa ngập giời
Là điềm gì thế ạ

-  -  Có chi đâu mà lạ
Ngày phụ nữ đấy con
Người vui, kẻ héo hon
Vào những ngày này đấy

-  -  Bố ơi sao con thấy
Ngày mùng tám tháng ba
Người ta cũng gọi là
Ngày của phụ nữ vậy

-  - Còn nhiều ngày nữa đấy
Không chỉ có thế đâu
Mà luôn phải đau đầu
Nhớ làm sao cho hết

Ngày đầu tiên sau Tết
Là mùng tám tháng ba
Đương nhiên phải có quà
Cho ai là phụ nữ

Tiếp theo nếu lịch sự
Nhớ ngày Mother’s  day
Chủ nhật tuần hai này
Trong tháng 5 đấy nhé

Và nếu như  còn bé
Vẫn có một ngày riêng
Nhắc người ta nhớ quyền
Dù mới là bé gái

Niềm vui chưa dừng lại
Thì  chỉ chín ngày sau
Đã thành lệ từ lâu
Đàn ông buộc phải nhớ

Mua quà để tặng vợ
Chúc mừng bạn trên phây
Ở cơ quan nữa này
Các hội đoàn chưa kể

Thôi từ từ con nhé
Để bố nghỉ lấy hơi
Nói đến đây mệt rồi

Ngày  mai bố kể tiếp

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Đò Đưa karaoke chèo

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Con gái mẹ

Con gái mẹ giờ lớn rồi đấy nhỉ
Biết làm duyên mỗi khi đứng trước gương
Biết chải chuốt mỗi khi bước ra đường
Biết e thẹn mỗi khi ai nhìn kỹ

Con gái mẹ giờ đã hay để ý
Đến bạn trai và đến những hot boy
Đến quần áo của các nàng hot girl
Vẫn thấy mặc trên các trang xã hội

Con gái mẹ xin con chớ có vội
Thích bạn trai hay say đắm hot boy
Để một ngày nước mắt con sẽ rơi
Chỉ vì "hắn" đã cầm tay người khác

Con sẽ buồn và trở nên ngơ ngác
Chỉ loanh quanh chuyện tình cảm trong đầu
Rồi vào mạng tâm sự để mong cầu
Có ai đó hiểu con và chia sẻ

Nếu một ngày chuyện xảy ra như thế
Thì con yêu đã có mẹ ở đây
Con không cần phải tâm sự trên Phây
Hay vào chát với bạn trong Zing nhé

Vì mẹ đã từng yêu khi còn trẻ
Nên biết điều gì là đúng hay sai
Và mẹ luôn sẵn có một bờ vai
Để con tựa mỗi khi cần tâm sự

25.6.2014

Đã yêu ?



ĐÃ YÊU ?



Hàng ngày mẹ vẫn nói:
"Cấm con không được yêu
Trẻ con biết gì nhiều
Mà đã yêu nhăng nhít"

Con thề ! sẽ im tịt
Không nói với mẹ đâu
Những vương vấn trong đầu
Con vẫn còn bỡ ngỡ

Cần sẻ chia giúp đỡ
Để con sớm vượt qua
Giai đoạn ẩm ương mà
Cái gì cũng muốn biết

Con chỉ muốn phân biệt
Yêu là như thế nào
Có phải nhớ cồn cào
Mỗi khi không gặp mặt

Thấy run khi ai nhắc
Đến tên của người ta
Mong được hắn tặng quà
Vào những ngày đặc biệt

Mẹ ơi con muốn biết
Thế đã là yêu chưa
Nếu "chát" hắn không thưa
Làm con buồn muốn khóc

Đêm ngủ con trằn trọc
Vì có hôm ở trường
Hắn quan tâm bất thường
Đến một cô bạn khác

Con cũng muốn bỏ mặc
Để tập trung học hành
Nhưng mà cứ loanh quanh
Nghĩ nhiều về chuyện ấy

Thôi con hỏi bạn vậy
Chúng nó yêu nhiều rồi
Mà toàn là hot boy
Ăn chơi rất bạo liệt.

27.6.14

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Về quê




Tôi đã đi qua tuổi thơ cùng với những cánh đồng ngát hương lúa chín, với bờ tre, bụi duối, với những con đường làng ngoằn ngoèo rơm rạ.
Tôi đã làm bạn bạn với những cô cá cờ sặc sỡ, những thằng rô ron tinh nghịch, lũ đòng đong cấn cấn, anh chuồn chuồn ớt đít đỏ ....
Những ngày tháng ấy dường như mới chỉ hôm qua

--------------------------------------------------------------------


1.


Hàng năm cứ gần đến hè là nó mong sớm được nghỉ học để về quê. Từ nhà nó về quê cũng chỉ vài cây số và nó vẫn thường được bố mẹ cho vào dịp cuối tuần hoặc khi ở quê có công có việc. Làng nó khoảng hơn dăm chục nóc nhà, dân trong làng thuần nông, ruộng vườn cũng ít nên nghèo. Phần lớn những ngôi nhà ấy tường chình bằng đất thấp lè tè, loằng ngoằng những vết nứt nẻ bám đầy rêu xanh, mái rạ ải mục, mốc meo. Đường làng gồ ghề, lổn nhổn những viên đá nhô bề mặt trơn bóng vì thời gian lên trên mặt đường. Mùa mưa đến trên đường loang lổ những vũng nước lớn, chỗ nào khô ráo thì lại lù lù một bãi phân trâu đen sì bốc mùi nồng nồng quyện với mùi rạ ủng do ngấm nước mưa tạo thành một hỗn hợp lưu giữ trong không gian ngột ngạt đến khó tả.

Nghỉ hè ở thị xã có đủ điện, quạt mát nhưng nó vẫn thích được về quê ở hẳn mấy tuần. Dù ở quê không điện, không quạt máy chỉ có đèn dầu và những chiếc quạt nan vá mép, những chiếc quạt mo cau dày bịch phẩy mấy cái đã mỏi rã cánh tay. Nhưng ở quê nó không phải học, chỉ có hai bà cháu với nhau, nó muốn làm gì thì làm, cứ lang thang chui rúc hết bờ bụi này đến bờ bụi kia khám phá đủ thứ. Chơi chán trong làng thì nó lại mò mẫm ra ngoài đồng bắt cua, thả lờ, thả rọ, tát ròn.

Ở quê nó cũng có vài ba đứa bạn cùng lứa tuổi, nhưng không hợp với nó lắm. Bọn ấy vẫn chỉ xem nó là thằng người bên tỉnh ngây ngô chẳng biết gì về nhà quê và khác với chúng. Thi thoảng nó mới nói chuyện với bọn trẻ trong làng hoặc cùng chúng nó ra dầm mình ngoài sông. Còn phần lớn thời gian nó mò mẫm một mình. Điều ấy không làm nó buồn mà ngược lại nó lại thấy thoải mái hơn khi không bị những ánh mắt dò xét của bọn trẻ trong làng, không bị bọn chúng cười cợt mỗi khi nó la hét và cuống cuồng nhảy lên bờ ruộng vì sờ phải con rắn trong mà cua. Dù gần nhà nó ở thị xã cũng không thiếu ao hồ, đầm, ruộng nơi mà nó và lũ bạn vẫn hay đầu trần đội nắng lang thang câu cá nhưng mỗi lần về quê nó luôn cảm thấy bị cuốn hút và như lạc vào một thế giới khác. Nó có thể loanh quanh từ sáng đến tối mà không chán bên bờ ao có những bậc lên xuống được xếp bằng những phiến đá vôi nhẵn lỳ từ trên bờ cao xuống đến mép nước nối với cầu ao được ghép bằng những thân tre gác trên bốn cọc cắm dưới ao.

Bên cầu ao nó có thể ngồi lỳ hàng giờ trên phiến đá nhẵn bóng của bậc lên xuống, lặng lẽ nhìn những con nhện nước xòe bốn chân như chiếc vó bè im lìm đứng trên mặt nước, khẽ nghiêng nghiêng trôi trên mặt ao mỗi khi có cơn gió nhẹ. Chốc chốc chúng lại nhảy tưng tưng đuổi theo nhau, vẽ nên những vòng tròn xoe lan rộng dần ra mặt ao. Giữa ao con chuồn ớt đỏ rực đang rủ cánh xuống lim dim ngủ trên bè rau rút, cuống cuồng bay lên khi lão chuồn chuồn ngô to đùng với những vằn vàng, đen như da hổ to đùng lù lù xuất hiện. Ở dưới khe đá kè bờ ao, lấp ló mấy cô cá cờ diêm dúa trong trong bộ cánh đủ màu đang thẹn thùng đảo mắt nhìn quanh không thấy động tĩnh gì liền lao vội lên mặt nước ngớp một cái rồi quay lại chỗ nấp. Bọn rô ron ngổ ngáo thi nhau lao lên mặt nước búng đuôi tanh tách. Thường sau những cơn mưa rào, ngay dưới cầu ao có rất nhiều đỉa, những con đỉa trâu đen trũi uốn cái thân mềm như lụa cùng lũ đỉa con lâu nhâu bu lại cả đám mỗi khi nó thả chân xuống khoắng cho nước động. Nó không sợ đỉa, có lúc nó cứ để cho mấy con đỉa bám vào chân rồi lấy tay dứt ra, ném mạnh ra giữa ao hoặc đem lên thả vào nồi hông nước tiểu để ở trái nhà cho chết hẳn.

Câu cá luôn là điều yêu thích, nó câu để thỏa mãn sự đam mê của một đứa trẻ, để cảm nhận cái cảm giác bắt được con cá. Nhiều khi nó ngồi cả buổi chạy hết ao này sang ao khác mà chẳng câu được con cá nào với nó như thế cũng chẳng sao. Câu cá là một việc không thể không làm mỗi lần về quê. Lúc nào nó cũng có sẵn cần câu gác trên mái ở trái nhà đủ cước và lưỡi câu, nó chỉ cần ngắt một đoạn cuống khoai ngứa buộc chỉ làm phao thế là xong. Nó thường ngồi bó gối trên cầu ao, đăm đăm nhìn cái phao khoai lập lờ trên mặt nước, thi thoảng cái phao ấy lại nhấp nháy rồi thút đi nó vội vàng giật vù cái cần tre lên. Con cá mắc câu giẫy loằng ngoằng làm cái đầu cần tre cong mỏng díu xuống khiến nó mê mẩn tim đập thình thịch. Đi câu nó ghét nhất là gặp phải lũ đòng đong cân cấn chuyên rỉa mồi, vừa thả câu xuống nước đã thấy phao nhấp nhấp rồi thút đi, nó giật lên chỉ còn thấy trơ lưỡi câu.

Lũ cá dù to hay nhỏ, câu được nó đều khoái. Những con mài mại thân hình thon dài với lớp vảy trắng tinh và những chú mại bầu to tròn ham mồi khủng khiếp và dễ mắc câu nhưng bọn ấy tanh thì phải biết. Con đòng đong thân trắng điểm xuyến những sọc đen trên thân, to chỉ bằng ngón tay cái. Con cân cấn với lớp vảy lấp lánh màu vàng đỏ tía bụng căng tròn trứng. Con diếc cụ sống lâu trong ao tù to hơn bàn tay người lớn có màu xám đen chuyên làm đứt những sợi cước mỏng manh của nó, mỗi lần như thế lại làm nó ngồi bần thần, ngẩn ngơ vì tiếc. Những chú cá rô chỉ thích mồi cào cào, mỗi khi bị bắt liền giương vây lưng như hàng chông cào xước tay tóe máu. Thằng trê lưng đen, bụng trắng trơn tuồn tuột đánh mạnh đầu cho hai cái ngạnh như hai chiếc đinh chọc vào tay người bắt. Và còn nhiều nữa, con chuối hoa với những hàng vảy đen lốm đốm như báo gấm, những con cá sộp đầu bẹt ...

Vài ngày nó lại cởi quần áo lội xuống cạnh cầu ao, dùng tay ôm vòng quanh chân cọc cầu ao vuốt ngược lên cho những chú ốc vặn vỏ bám đầy rêu xanh lè rơi tọt vào tay. Thi thoảng nó lại làm bẫy ốc nhồi bằng vỏ mít, nó đem vỏ mít thả xuống ao để cho phần xơ mít úp xuống dưới. Những miếng vỏ mít lập lờ nổi trên mặt nước chỉ vài hôm là lũ ốc nhồi bò vào để ăn sơ. Nó lấy rổ sề nhẹ nhàng xục xuống dưới đám vỏ mít lắc nhẹ là những con ốc nhồi béo vàng buông mình rơi lọc cọc vào trong rổ.

(continue)

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Canh cua

Qu..u.. ạch qu..u..ạch qu..u..ạch … 


      Những âm thanh đều đều phát ra từng nhịp, từng nhịp sau từng cái thúc xuống nhẹ nhàng, khoan thai. Đôi lúc những tiếng ke..e..eng ke..e..eng … vang lên lanh lảnh khi cái chày giã bằng gang đúc va vào thành cối inox. Động tác vẫn thuần thục, thoăn thoắt y như mấy chục năm trước, nhưng âm thanh nay đã khác, nhịp điệu đã khác, cảm xúc đã khác và tần suất làm việc này cũng đã khác đi rất nhiều. 

        Ba mươi năm trước cái âm thanh chu… uỵch chu…uỵch chu…uỵch … của chiếc chày gỗ dội xuống lòng cối đá hầu như ngày hè nào cũng vang lên. Nhưng nó nặng nề, mệt mỏi và khó nhọc hơn bây giờ nhiều, nhất là khi cua đã nát quánh lại, mút lấy đầu chày vì mấy hạt muối được bỏ thêm vào trước khi giã làm cho độ dẻo tăng lên. Với một thằng bé mới chục tuổi đầu, nấu được nồi canh cua thật vất vả và mất thời gian. Có nhiều việc phải làm từ việc rửa, xé, giã, lọc cua, khoáy gạch cho đến nhặt, rửa các loại rau … Đã thế, việc làm cua với một đứa bé quả là một vấn đề. Những con cua đực lực lưỡng, hai mắt lồi ra hết cỡ luôn nép mình vào thành xoong, ngửa người giương đôi càng khủng lởm chởm những gai như hai gọng kìm đen bóng lên, sẵn sàng nghênh đón những ngón tay bé nhỏ đang chực chờ bắt nó. Dù rất nhanh nhưng nhiều lúc tránh không kịp, cái càng to kẹp chặt vào ngón tay, đau đến điếng người, giàn giụa nước mắt, chỉ có cách vẩy mạnh một cái cho con cua bắn ra xa và chấp nhận một vết hằn trên tay rớm máu. Mãi rồi cũng thành quen, đôi khi mặc kệ cho cua cắp, miễn sao làm cho nhanh không thì đến trưa lặt chưa có cái mà ăn. 

     Canh cua là món trường kỳ không chỉ bởi ngon, dễ ăn mà còn là món có chất và rẻ vào thời điểm ấy. Khác với bây giờ, để có nồi canh đậm đặc có khi còn đắt hơn ăn thịt. Thường mỗi lần nấu canh chỉ cần một xóc(1), nấu riêu thì phải hơn, chí ít cũng là 2 xóc. Mỗi xóc thường có từ 12 đến 15 con, tùy loại cua to nhỏ hay xóc dài, xóc ngắn. Những con cua được kẹp giữa hai que tre nhỏ được buộc cách nhau bằng một cọng rơm hay dây lạt. Dưới cùng là con cua càng to nhất rồi cứ nhỏ dần cho đến cuối xóc. Cua móc thường đầy bùn đất, đấy là con cua béo vàng phùn bọt “thổi cơm” đầy mặt xóc. Cua đó đen hơn, gầy hơn và đương nhiên là không ngon bằng cua mà(2). Buổi sáng cua còn khỏe, chân càng ngọ ngoạy tứ tung, nhưng đến cuối buổi chợ hay sang chiều, nhiều con đã chết rụng hết cả chân càng, gạch vữa ra nhưng vẫn phải mua. Thi thoảng vớ phải 1, 2 con cua sữa mới lột thì thật chán, òm ọp toàn nước mùi lại hoi nấu mất cả ngon. Đặc trưng của những con cua mà là khi khoáy gạch sẽ thấy những con đỉa con, đỏ hoe bò loe ngoe ở trong mai cua đầy ăm ắp thứ gạch vàng óng. Giờ chẳng còn ai đóng xóc để bán nữa, bán bằng cân vừa tiện vừa nhanh lại được chọn thoải mái, nhưng phần lớn lại là cua nuôi, nhỏ hơn nhiều so với cua mà. Người ta cũng thường làm sẵn, xay sẵn, mua về chỉ phải lọc rồi nấu. Nhưng nấu cua giã bao giờ cũng ngon hơn cua xay, khi nấu cái cua đóng bánh chắc hơn không bị vữa ra như cua xay, nước cũng ngọt hơn hẳn. 

     Trước mua cua về nấu canh với rau đay, mồng tơi là chính, họa hoằn lắm mới nấu riêu để ăn với bún. Rau đay, mồng tơi ở chợ Hà Nội cũng khác rau ở quê, ít nhớt hơn và cũng không đậm đà, ngọt, thơm như trước. Cái thứ mồng tơi ta lá nhỏ, tròn, mỏng, leo bờ rào có nhiều đốm trắng do sâu ăn, vặt cả buổi mới được một nắm nấu canh vị đậm không nhạt như mồng tơi lá to bằng bàn tay bây giờ. Rau đay ngày ấy chủ yếu là rau đay trắng lá to, cứng, nhiều nhớt quả dài như đầu đũa ăn cơm, lên nhanh, dễ trồng nhưng ăn không ngon bằng rau đay tím lá nhỏ, mỏng, quả tròn, năng suất thấp hơn. Rau đay tím ngoài chợ bây giờ ăn cứ thấy vị nhằng nhặng, cứng cứng. Ngày bé khi làm rau bà bảo phải nhặt sạch, thái nhỏ rồi mới cho vào rổ mau (3) để rửa. Khi rửa phải vò nhẹ để cho đỡ nhớt, nhưng thực ra làm như thế lại thành nhớt hơn mà rau lại mất chất. Nồi canh cua có thêm rau rút và quả mướp hương thì thơm phải biết. Bát canh sanh sánh có mùi thơm dìu dịu của rau rút, của mướp, có mầu vàng óng của gạch cua, vị ngọt thanh của nước cua. Múc một thìa cho vào miệng đã trôi tuột xuống họng lúc nào không hay. Hết mùa rau đay, mồng tơi, cua nấu với cải canh cũng rất tuyệt, ăn có vị bùi, ngậy, mùi thơm của cải. Món canh cua khoai sọ, rau rút cũng rất tuyệt nhưng ở quê hầu như không ăn món này.

     Ở quê canh cua nấu rau khác với người Hà Nội về gia vị tra nồi. Quê, nấu canh rau là phải có mắm tôm, ngon nhất là mắm tôm đen Thanh Hóa và ngược lại khi nấu riêu cua thì lại tra mắm thường và cho rất nhiều mẻ. Ở Hà Nội thường nấu canh và nấu riêu đều tra mắm thường nhưng đến khi ăn riêu cua lại cho thêm mắm tôm sống. 

     Canh cua phải ăn kèm cà ghém(4) hay cà bát, nhất là cà nén, nếu không có cà canh cua mất đi một nửa giá trị. Còn với món riêu cua, ăn kèm phải có rau sống. Những loại rau giờ hay ăn như xà lách, rau diếp, gọi là tạm được nhưng có lẽ không đặc trưng lắm đối với món này. Hợp với riêu cua hơn phải là rau muống chẻ. 

     Ở quê ngày trước đứa bé con cũng đã biết tự chẻ rau sống để ăn, Chẳng mấy khi phải mua rau chẻ ngoài chợ. Để chẻ rau phải chọn loại rau muống trắng, bánh tẻ, ngọn to vừa phải, ăn giòn, ngọt, còn rau muống tím ăn vừa chát mà lại cứng. Những ngọn rau dài được chẻ bằng những con dao bài nhỏ thành những sợi dài thẳng đuỗn nhưng vừa thả vào chậu nước lạnh liền cuộn tròn xoắn xuýt vào nhau. Lũ trẻ con nghịch ngợm đôi khi ngắt một đoạn rau muống có mắt ở giữa rồi chẻ hai đầu vào giữa, khi thả xuống chậu nước các sợi rau cuộn tròn ngược lại như bông hoa. 

     Rau muống ăn kèm cũng còn một cách khác tuy nhìn hình thức không đẹp nhưng được cái làm nhanh, không mất thời gian, không cần kỹ thuật như rau chẻ. Rau muống chỉ cần vặt bớt lá già, rửa sạch, vẩy khô rồi thái nhỏ miến, khi ăn dùng thìa để xúc. Bữa trước về quê vẫn thấy có hàng bán bún riêu cua mọc có rau muống thái nhỏ ăn kèm.

……………………………………………….

(1) Xóc: Là một xâu cua được làm bằng 2 que tre nhỏ, kẹp những con cua ở giữa. Mỗi xóc có từ 12 đến 15 con cua (khoảng 2 lạng)
(2) Mà: hang cua dọc theo đỗi, bờ ruộng lúa.
(3) Rổ mau: Rổ nhỏ, nan bé, mắt rổ cũng nhỏ.
(4) Cà ghém: cà pháo muối. (cà muối xổi thường chấm mắm tôm. Cà muối nén thường để ăn với canh, nước rau muống/dền luộc).






Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Quê


Với những con người sinh ra, lớn lên ít khi phải di chuyển đi nơi khác mà vẫn chỉ ở một nơi có lẽ cái từ “quê” nghe nó nhẹ như cơn gió thoảng, chả mấy ý nghĩa.

Còn với những người phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình vì kế sinh nhai hay lý do gì khác mà không phải là chán ghét thì cái từ “quê” nghe nó trầm nặng mỗi khi nhớ về. Bi lụy, sụt sùi hơn cả khi nghĩ về “quê” có nhẽ là cái đám đàn ông cưng cứng tuổi chả mấy thành đạt, kém phần hãnh tiến hoặc thất cơ lỡ vận cùng với những sồn sồn thiếu phụ mà tâm hồn và một số thứ đang dần trở nên sạch sẽ.

“Quê” là một khái niệm rất mù mờ, khó định nghĩa và giải thích cho cặn kẽ. Lúc be bé đang thích nguyên sơ như Adam/Eva và chỉ xỏ vội cái quần khi thấy roi tre, nghe bảo quê hương là cái nơi hay được về ăn cỗ. Lớn lên tí nữa khi có ý định thoát ly, lần đầu cầm bút run run ghi lý lịch thì được khuyên điền tên trạm xá xã hay bệnh viện huyện vào mục quê quán mà đúng ra phải điền vào cái dòng đề chữ nơi sinh phía dưới. 

Đến khi có tí tuổi thì lại lẩn thẩn, lúc thì bảo quê là nơi hay về thắp hương các cụ dịp lễ tết, giỗ chạp, thanh minh. Lúc lại bảo quê em ở chỗ sinh ra khi cấp trên hỏi đến. Khi tâng tâng rượu với lũ bạn thì lại à lên một tiếng quê là cái nơi có cô bé nhà bên cười khúc khích …. 

Dẫu quê ở đâu thì ở, mỗi lần về cái nơi ấy cũng thấy xốn xang, dưng dưng kỷ niệm. Dù rằng chả có gì đẹp, chả có gì nên thơ. Thấy bảo về nơi đó thì cảm xúc nó sẽ ùa vào người từ tất cả các giác quan nên nó mới vậy. 

Về nơi ấy lại nhìn thấy những hàng cây, góc phố hay con đường quen thuộc mà ngày xưa vẫn thường đi chậm để rồi giả vờ xe bị tuột xích, cố tình cho ai đó vượt lên.

Về nơi ấy lại thấy văng vẳng đâu đây tiếng ai cười trong vắt, tiếng bước chân dồn dập, vội vã sau nhịp trống tan học, tiếng còi tầm của nhà máy điện …

Về nơi ấy, đầu lưỡi như lại thấy cái vị ngòn ngọt của hoa tanh tách, vị chan chát của những quả táo dại, vị bùi bùi của hạt bàng. …

Về nơi ấy cái mùi than ẩm bén lửa của lò vôi, mùi khen khét của xỉ than đường tàu, mùi tanh tanh man mát của dòng nước từ âu thuyền đổ vào sông mỗi khi con nước lên …. như vẫn chưa tan trong không gian.

Về nơi ấy như lại thấy cái sần sùi, thô ráp, lành lạnh của thép trên thành cầu sắt, cái mìn mịn, lành lạnh của nắm bùn sông ….

Và nơi ấy luôn có một cái gì đó thật khó tả, thật thân thương, gần gũi, bình yên như cái cây được cắm chặt rễ vào lòng đất mẹ …

Những thứ ấy, thấy người ta bảo ở quê mới có. Ở thành phố mọi thứ to hơn, đẹp hơn, hoành tráng hơn nên cảm xúc nó cũng sang trọng, lịch lãm hơn. Nhưng ở thành phố cái cảm giác nó chông chênh, mỏng manh hơn thì phải.


Chả biết thế nào mà lần.

---------------------------

Hoà bình tôi trở về đây 
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày 
Lại gặp em 
Thẹn thùng nép sau cánh cửa... 
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ 
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!) 
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi 
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng... 

(Thấy bảo thơ anh Nam)


Sông Vân - nơi ấy (nguồn Nét)

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Không đề (5)

Thoảng qua cơn gió mồ côi
Em làm dịu lại trong tôi nắng hè
Để hồn tôi lạc lối về
Để tim tôi đ
ắm cơn mê thuở nào




Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

không đề (4)

Em giờ có tiếc ngày xưa
Sớm nghe lời ngọt khi vừa chớm yêu

Cuộc vui nào đã biết nhiều
Bướm vàng vội bỏ một chiều sang sông

Làm cho bao khắc khoải lòng
Lời chưa kịp tỏ tình trong thẫn thờ

Để giờ trong những cơn mơ
Con bươm bướm ấy vướng tơ lòng mình.

NCC
05.5.2014


Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Tháng tư

tháng tư 
mùa loa kèn trắng muốt thanh tân
anh vẫn nhặt 
từng lá vàng ký ức
nắng đã về
rải xuống đường vàng rực
một mình anh
lang thang phố không em





Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Mùa lá rụng

Từng đám lá vàng nhè nhẹ rơi phủ kín những con đường, những vỉa hè, rắc đầy lên mái nhà, sân, vườn các khu biệt thự cổ.
Những lá vàng tung tăng cuốn theo từng vòng bánh xe quay như lũ trẻ tinh nghịch.
Hà nội cổ kính, rêu phong.
Hà nội mênh mang, tĩnh lặng và bình yên.
Những chiếc lá vàng rơi, rơi mãi như vô tận ....

Hãy lặng nghe Hà nội thầm thì kể khúc giao mùa.
Hà nội mùa lá rụng.
























Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Tản mạn ý nghĩ (1)



Hà nội chửa có nắng, ý nghĩ vẫn mốc meo, hôi rình như những ngày nồm. Nghĩ lắm thành ra lẩn thẩn, đành ra phố ngồi hong cho tâm hồn đỡ ẩm ướt.

Phố có đẹp mấy nếu không người qua lại thì cũng chả khác các trong trắng thiếu nữ không mặc gì oằn oài ngủ rốn trong phòng riêng.

Những khuôn mặt người, những mảnh đời không quen biết cứ lướt qua dù chỉ trong khoảnh khắc vẫn kịp đọng lại những cảm giác thực.

Những âm thanh của cuộc sống cho dù có trầm đục vẫn hơn chán vạn tiếng vỗ tay tung hô hay những lời ngợi khen ở đâu đó.

Hà nội không có hàng rong thì cũng chả còn là Hà nội.




















Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

không đề (3)

Anh xin một chút nhận vơ
Anh xin một chút dại khờ được không

Anh xin giữ ở trong lòng
Anh xin cất nhớ giữ mong riêng mình.

Vợ chồng (1)

Nếu em là hũ mẻ chua
Thì anh làm món lẩu cua bắp bò

Nếu em là đĩa cá kho
Anh làm gia vị để cho vào cùng

Nào là muối mặn vị chung
Ớt cay, kẹo đắng, chát sung, ngọt đường

Nồng nàn hương vị của tương
Hành khô phải có, mỡ thường vài gam

Khế chua đôi quả không tham
Hòa cùng các vị sẽ làm hết tanh

Vợ chồng muốn sống an lành
Đắng cay chát mặn đồng hành cùng qua.

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Chuyện bây giờ mới kể


Chuyện bây giờ mới kể
Ở trường Đặng Trần Côn
Năm rồi con gái học
Gặp một phen hết hồn
                                 
Dù bố mẹ cảnh giác
Dặn dò con gái yêu
Bọn người xấu rất nhiều
Nên con phải cẩn thận

Không đi đâu một mình
Không tin lời người lạ
Nghĩ cách để thoát ra
Trong trường hợp khẩn cấp

Dù dặn con như vậy
Nhưng bố mẹ vẫn mong
Con không phải ở trong
Trường hợp nào nguy hiểm

Được dặn con đã biết
Trong một hôm đến trường
Sớm hơn những ngày thường
Sân trường còn vắng lặng

Tầng ba con lên thẳng
Gặp một gã đàn ông
Thấy con hắn lòng vòng:
"Này cháu ơi chú bảo

Lúc nãy chú không may
Rơi bút trong toa lét
Chú đưa cháu hộp quẹt
Vào tìm giúp chú đi"

Con gái chẳng hề nghi
Đi vào tìm giúp hắn
Chớp thời cơ may mắn
Hắn đi theo con luôn

Cũng giở vờ tìm kiếm
Ở trong nhà vệ sinh
Bỗng nhiên bất thình lình
Hắn sờ bụng con gái

Tuy có chút sợ hãi
Nhưng con bình tĩnh ngay
Tìm cách thoát cảnh này
Con liền chạy ra cửa

Hắn không đuổi theo nữa
Rồi lặng lẽ bỏ đi
Chưa xảy ra chuyện gì
Để sau phải ân hận

Nhưng con vẫn cẩn thận
Thông báo cho nhà trường
Chặn ngay các ngả đường
Để bắt thằng khốn nạn

Người truy tìm có hạn
Sân trường thì đã đông
Những bà vợ ông chồng
Đưa các con đi học

Dù đã rất cố gắng
Mấy bác bảo vệ già
Vẫn không thể tìm ra
Thằng đàn ông mất dạy

Nhân có sự kiện ấy
Nhà trường cho kiểm tra
Thì mới phát hiện ra
Nhiều em là bị hại

Nhưng chắc các cháu ngại
Chẳng đứa nào dám thưa
Nên hắn vẫn làm bừa
Đến khi con thông báo

Lúc này các cô giáo
Vafcha mẹ học sinh
Mới thực sự giật mình
Đề cao hơn cảnh giác.


Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Chơi Trung thu

Ngày Trung thu sắp đến
Quận tổ chức sân chơi
Cho các trường bày cỗ
Thi thố ở ngoài trời

Chơi trung thu kiểu mới
Chỉ đi xem cỗ thôi
MC làm chú Cuội
Dẫn trò và gây cười

Bọn trẻ con ngày trước
Tự tổ chức trung  thu
Tự tay làm đèn cù
Cả đèn ông sao nữa

Trống ếch cũng tự thửa
Bằng da ếch kéo căng
Trên mặt ống bơ sắt
Gõ vào kêu păng păng

Còn những đứa con gái
Thì hay xâu hạt bòng
Đợi đến đêm trăng trong
Đem dây hạt ra đốt

Có đứa chơi dại dột
Làm pháo hoa điền thanh
Đốt lấy tro, tán thành
Bột gói vào giấy báo

Rồi quấn lại như pháo
Bằng đất sét, phơi khô
Đến rằm lấy lửa hơ
Cháy lên rồi thì ném

Nhiều lúc tay cháy xém
Nhưng mà không thấy đau
Vì được chơi với nhau
Dưới trăng rằm vằng vặc

Mỗi thời lại mỗi khác
Đón trung thu bây giờ
Bọn trẻ chẳng mong chờ
Như trẻ con ngày trước

Vì bây giờ không được
Tự làm lấy đồ chơi
Và cũng không được bơi
Trong sông trăng ngày hội

Phố phường giờ chật chội
Không còn cả sân chơi
Điện sáng trưng khắp nơi
Nên trăng đành đi trốn

Ngày xưa dù thiếu thốn
Nhưng trẻ con thích hơn
Không đứa nào muốn lớn
Để theo trăng đi chơi








Cho con mặc quần sịp

Nhân nhà văn Trang Hạ
Nói về cách nuôi con
Là dạy cách các bé
Bảo vệ chú chim non

Tức là mặc quần sịp
Từ lúc còn trẻ con
Mới khoảng bốn năm tuổi
Thì sau này mới “ngon”

Nhưng thực ra mình nghĩ
Chúng nó còn trẻ con
Cứ để cho phát triển
Tự nhiên thì vẫn hơn

Khi nào bọn trẻ lớn
Lúc mà chúng dậy thì
Mặc, vừa có thẩm mỹ
Lại bảo vệ hòn bi

Nếu như quan sát kỹ
Động vật sống quanh ta
Cách giữ bi hiệu quả
Là để lộ hết ra

Bác sĩ khuyên bảo là
Nhiều thứ sẽ mất đi
Nhất là chất lượng bi
Nếu mặc quần quá chật.

Vậy nên cần cẩn thận
Cho trẻ con mặc gì
Chớ vội mà so bì
Với con nhà người khác.




Giáo dục giới tính

Giáo dục về giới tính
Cho con cái chúng ta
Cùng nhà trường, cô giáo
Là bố mẹ ở nhà.

Ở trường cô giáo dạy
Chỉ là bước khởi đầu
Cô không giải thích đâu
Để các con khám phá

Như việc mang bầu nhé
Cô chỉ nói chung chung
Trứng kết hợp tinh trùng
Trong  giờ môn khoa học

Để con  không thắc mắc
Thì phải giải thích thêm
Những điều gì con nên
Hiểu sao cho đúng đắn

Bố mẹ muốn uốn nắn
Chuyện giới tính cho con
Điều qua trọng sống còn
Phải là bạn của chúng

Cũng không nên lung túng
Khi con hỏi chuyện này
Nếu  con hỏi là may
Vì vẫn còn tin tưởng

Chỉ sợ con cái bướng
Cứ lặng lặng làm thinh
Tự tìm kiếm cho mình
Những thông tin sai lạc

Sẽ có người nghĩ khác
Sao phải nói cho con
Chuyện giới tính vẫn còn
Là một điều tế nhị

Xin thưa các quý vị
Không  phải như thế đâu
Đó là một nhu cầu
Của xã hội phát triển

Đừng nghĩ con không biết
Những chuyện giới tính này
Vẫn diễn ra hàng ngày
Trên đủ mọi phương  tiện

Nào thì in tơ nét
Đến sách báo hàng ngày
Những thứ chúng chuyền tay
Cho nhau đọc ở lớp

Thế nên mình phải biết
Hướng dẫn con từ từ
Nếu không nó sẽ hư
Hoặc thành đứa ngu ngốc

Chẳng có ai bỗng chốc
Biết được hết mọi điều
Kể cả chuyện tình yêu
Cũng cần phải giáo dục

Để con được hạnh phúc
Và làm chủ cuộc đời
Không thể khác bạn ơi
Phải giáo dục cho chúng.

Bài học cho các con lớp 5, lớp 6

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Cuối đông

       Mùa đông năm nay khác hơn với nhiều năm trước. Đêm, trời rất lạnh có hôm Hà Nội 7 - 8°C làm những cặp đương kim chồng vợ hay hiện tại người yêu rúm ró, co quắp, chờ chực cơ hội để quyện lấy nhau mong hòng có chút hơi ấm từ đối tác một cách free kèm thêm cảnh giác sung sướng khuyến mại.

       Ngày, trời quang, nắng từ sớm, nhiệt độ tăng vùn vụt, đến quá trưa một số giai tuổi ngoại tứ tuần, thể hiện đẳng cấp đánh mỗi cái áo cộc, tự tin đến phát thèm.

      Đã bao năm mới có một mùa đông là lạ, làm những kẻ mắc căn bệnh mãn tính chán ghét mùa đông cũng phải tự xem lại mình. Hăm ba, ông Táo chầu giời vẫn nắng. Tết đến nơi nhưng mùa đông như vẫn lưu luyến, ngậm ngùi.

     Hôm nay giời thay đổi hẳn, người ta bảo đây mới mới đích thị là thời tiết đặc trưng của Tết: Có cái lành lạnh của gió, có cái nhớp nháp của lây phây mưa phùn, có cái xam xám âm u của trời.

     Cờ, hoa, khẩu hiệu, áp phích đã rợp phố phường.

    Ô tô lớn bé từ cách ngóc ngách, ngõ hẻm ùn ùn đổ ra đường, phả khói đen sì lên những khuôn mặt đầy toán tính, lấm lét, hối hả, chen chúc.

    Những anh xe ôm quần áo lếch thếch, nhem nhuốc bụi bặm, chân giày chân dép cưỡi những chiếc xe cóc cáy với những giá đèo hàng ngoại cỡ phía sau xe lượn lách, vụt vụt trong phố.

   Những bà, những cô tòng teng làn túi, bánh trái, hoa hoa hoét nhớn nhác sang đường.

    Tất cả đều vội vã, tất bật, cuống quýt, lo âu. Tết đang thúc giục.

   Chỉ mấy ngày nữa Hà Nội lại được trở về với lặng lẽ, bình yên, với những ngày ngắn ngủi mong đợi.

26.1.1014



Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Ikebana - Hoa đạo Nhật Bản

Ikebana (có nghĩa "hoa sống") là nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản, cũng được biết đến dưới cái tên kado— "hoa đạo". Theo nghệ thuật Ikebana, hoa được cắm hài hòa với màu sắc và bài trí của phòng, bình cắm...tượng trưng cho thiên, địa, nhân (trời, đất, con người).

Cách cắm hoa sẽ cho ra nhiều ý nghĩa. Ví dụ như cành thưa thớt sẽ biển hiện cho mùa đông hay, ngược lại, cắm nhiều cành đan xen với nhau sẽ tượng trưng cho mùa hạ. Hay như nụ hoa sẽ có nghĩa là tương lai, bông hoa chớm nở có nghĩa là hiện tại, và bông hoa đã nở bung gần hết có nghĩa là quá khứ.

Ikebana, một trong những môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, đã xuất hiện được hơn 600 năm nay. Nó phát triển từ một nghi thức hiến tế hoa cho những linh hồn đã chết của phật giáo. Giữa thế kỷ 15, cùng với sự ôổi lên của những phong cách cổ điển đầu tiên, Ikebana trở thành một môn nghệ thuậ đặc trưng của tôn giáo, cho dù nó vẫn tiếp tục giữ lại được tính tượng trưng và ý nghĩa triết học. Những giáo viên và những học sinh đầu tiên là những thầy tu và người có thân phận cao quí. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều kiểu trường học khác nhau ra đời, kiểu cách thay đổi, và Ikebana trở thành một môn nghệ thuật dành cho tất cả các tầng lớp xã hội Nhật Bản.

Theo như Mandarax, cách trang trí hoa đẹp nhất chỉ phụ thuộc một, hai hay cùng lắm là ba yếu tố. Để sắp xếp ba yếu tố, thì cả ba yếu tố phải tương tự nhau, hoặc hai trong ba yếu tố phải giống nhau, nhưng không bao giờ nên để tất cả các yếu tố đó khác nhau. Người ta nói rằng Ikebana được hệ thống hóa dễ dàng như là một loại tân dược.

Nguồn gốc của trường học Ikebana: Ikenobo

Lịch sử của Ikebana bắt đầu cùng với Lịch sử của Ikenobo- trường học cổ xưa nhất về Ikebana. Trường học này bắt đầu được dựng từ một thầy tu của đền Rokkakudo - tên là Shiun-ji ở Kyoto, người có những kỹ năng sắp xếp các bông hoa đặc biệt đến nối mà các thầy tu khác nhìn ông như một người thầy vậy. Như ông ta sống bên cạnh cái hồ, vì từ Nhật Bản là Ikenobo, cái tên Ikenobo trở nên gắn liền với những thầy tu chuyên về trang trí hoa trên bàn thờ phật.

Đền Rokkakudo được dựng vào năm 587 bởi Hoàng tử Shotoku. Người ta kể rằng Hoàng tử Shotoku đang đi tìm những nguyên liệu để xây đền Shitenno. Trong quá trình tìm kiếm, một ngày hoàng tử đi tắm bên cạnh một cái ao, nơi mà chàng đã treo một chiếc dây chuyền có hình phật lên một cái cây gần đó. Sau khi tắm, chàng cố vứt bỏ cái dây chuyền, nhưng không thành công trong việc đó. Trong đêm hôm ấy, Hoàng tử gặp phật tổ trong giấc mơ. Ngài chỉ dẫn chàng phải dựng một cái đền gần cái ao tại chỗ cây tuyết tùng dưới một đám mây màu tím. Từ gỗ tuyết tùng đền Rokkakudo được dựng lên để làm nơi đặt tượng phật Kannon (Quan-Yin). 

Sự phát triển của các phong cách

Nhiều kiểu mẫu phát triển bởi những năm cuối của thế kỷ 15, sự trang trí hoa trở nên thông thường đến nỗi những người bình thường cũng có thể tự làm, tự đánh giá, chứ không chỉ ở những gia đình quyền quí mới làm những việc này. Như vậy, nó bắt đầu phát triển như là một dạng nghệ thuật với những yêu cầu nhất định. Sách hướng dẫn được viết, cổ nhất là Sendensho, một kiểu hướng dẫn được biên soạn từ năm 1443 đến 1536.

Nghệ nhân nổi tiếng

Junichi Kakizaki
Mokichi Okada
Shogo Karizayaki
Kosen Ohtsubo

Con đường cuả hoa

Sầu Đông

Qua vùng đất ruộng trồng củ cải và lúa gạo là những đồi thông, ta thấy một ngôi đền xưa tên gọi Daikaku-ji nằm ở phía đông bắc Kyoto. Chốn tôn nghiêm này là cái nôi của tông phái Shingo do Kukai thiết lập vào thế kỷ thứ chín. Kukai là bậc đại sư, đấng thánh , học giả, và cũng là một nhà thơ. Daikaku-ji là cung điện mùa hạ xưa của hoàng đế Saga, kẻ trị vì cùng một thời đại với đại sư, cũng là người yêu chuộng và bảo toàn nghệ thuật. Đại sư cùng thời với hoàng đế trong Thời Đại Heian, kỷ nguyên vàng son của những thành tựu văn hóa và nghệ thuật kéo dài trên ba thế kỷ. Tới nay dã trên một ngàn một trăm năm, Daikaku-ji không chỉ là một ngôi đền có tính cách lịch sử nổi bật, mà còn là đầu não quốc tế của trường phái cắm hoa Saga Goryu School of Ikebana.

Từ ikebana thường được dịch là " cắm hoa theo kiểu Nhật ", nói văn vẻ là "gìn giữ nét sinh động của hoa" hoặc "gìn giữ tinh túy của thiên nhiên trong một bình hoa". Qua việc tìm học một hệ thống phức tạp về luật lệ, những nguyên tắc nghệ thuật, cùng ý nghĩa tượng trưng, và trong lúc quan sát vẻ đẹp và bình lặng của thiên nhiên, người thực hành nghệ thuật cắm hoa tìm cách phối hợp những khái niệm an bình trong học thuyết của nhà Phật, với hài hòa và lòng sùng kính trong đời sống hành ngày. Đi tìm hoa đạo (kado) là đi tìm đời sống tâm linh qua nghệ thuật cắm hoa.(1)

Mặc dầu Nhật Bản có nhiều trường phái cắm hoa, nhưng trường phái Saga Goryu là trường phái lâu đời nhất. Truyện kể hoàng đế Saga đã hái một bó hoa cúc mọc trên một trong hai tiểu đảo giữa một hồ nhỏ có tên là Osawa nằm trong chùa Daikaku-ji, và cắm hoa theo ba hướng nhằm diễn tả trời, đất, và người. Trường phái Saga thành hình từ đây.

Nằm giữa những cổ tự và tượng Phật, hồ Osawa từ đó đến nay hầu như không thay đổi. Tùy mùa, những người ngoạn cảnh từ khắp nơi trên đất Nhật đến ngắm những cội đào nở hoa, những bức hoành, liễn diễn lại những cảnh của thời kỳ Heian khi các mệnh phụ quí tộc mặc đến mười hai tấm kimono lụa trong những màu sắc hài hòa khác nhau- ung dung trên những thuyền phượng. Vào mùa thu, những vườn bên trong ngôi đền toàn những cúc đại đóa, là loài hoa của dân tộc và là biểu tượng của lòng truộng trinh. Những cội cây xum xuê, được tạo thành hình tượng trời, đất, người nằm trong khuôn viên của những vườn bằng đá sỏi trắng và giữa những hàng hiên cổ kính qua nhiều thế kỷ.

Để vào khu vực bên trong, du khách vào quần thể Daikaku-ji quanh cây cầu bằng đá, dầy lên với rêu và địa y. Vào tháng mười một, những cây lá phong Nhật Bản nở rực rỡ điểm những lối dẫn đến cánh cửa gỗ khổng lồ. Vào trong là những lối đi uốn khúc, bên những chấn song có bản lề, chạy luồn qua những vườn rêu phủ, dẫn đến những miếu, những hàng hiên ngoạn cảnh và những góc u tịch. Ngôi đền nối liền với trường học và phòng ngủ của học viên bằng những viên đá làm nhịp bước và những hành lang được chăm sóc rất mỹ thuật, cho thấy cảnh quan hình tam giác nơi chư tăng cùng thương nhân làm việc, nghiên cứu, và thực hành Phật Giáo hệ Shingon, một tông phái dùng tụng niệm, tham thiền và thân pháp nhằm đạt đến trí huệ.

Mọi ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng, mọi người họp nhau trong một phòng tham thiền lớn có trải thảm (tatami), đợi chư tăng đến.. Khi cánh cửa chính mở ra, mọi người cúi rạp xuống nền thảm trong lúc các nhà sư đi ngang. Các sư mặc áo thụng bằng lụa đen, lót bên trong là áo lụa trắng, chân mang vớ trắng, với tấm khăn màu vàng nghệ vắt ngang vai trái. Phía dưới cổ của những y trang truyền thống xếp theo lớp lang này là một xấp lụa bằng phẳng, và một cây quạt bằng gỗ trông giống như một vi cá chép.

Chư tăng ngồi một khoảng riêng trong nội sảnh, ngăn bằng những song gỗ. Những hình ảnh của Dainichi Nyorai (Phật), và shogonkas ( cách trưng hoa thường thấy nơi các bệ thờ Phật ) và những đồ vật bằng vàng sáng lấp lánh tượng trưng cho sự giác ngộ dùng trang hoàng bệ thờ. Khi chư tăng an vị và ngay ngắn xếp lại vạt áo, ta chỉ nghe tiếng áo lụa cọ vào nhau. Lần lượt các vị này đều vào thế ngồi ngay ngắn của mình trong khi một nhà sư trẻ bắt đầu nghi thức trang trọng bằng cách đem một kinh sách thiêng liêng từ trên bệ thờ xuống dâng cho sư trưởng. Một tu sinh bắt đầu ngân nga bài Hannya-haramita shingyo và tiếp theo là tiếng hòa đồng của các vị khác. Giọng nam trầm dịu, hòa với điệu bổng trầm, làm tăng bầu khí trang nghiêm trong Tam Mật Thức ( Three Mystic Practices) của vị thế nghiêm chỉnh, thiền quán, và tụng niêm.

Sau buổi lễ sáng, khách thăm viếng, học viên thường, và tăng chúng cùng ăn với nhau ở trai phòng một bữa điểm tâm gồm cơm, cá, dưa muối, và trà. Bữa ăn nhẹ và lành hổ trợ cho kỷ luật hành giáo và nghiên cứu hoa đạo (kado), gồm một loạt các lớp học về nghệ thuật cắm hoa, bắt đầu bằng việc giới thiệu hai mươi tám điều kị trong việc chọn và tỉa bằng cây hoa. Nhiều qui luật này có thể diễn giải một cách tượng trưng và xem như là bản điều hướng cho không chỉ nghệ thuật cắm hoa mà còn là cho cung cách sống thích đáng.

-Đừng cắm hoa nếu ta không biết tên loài hoa. (Vì chứng tỏ ta không tôn trọng loài hoa).

-Không dùng những cành quá rối. (Vì làm thế nó gợi nhớ đến những việc làm nghịch ý cha mẹ mình, đi ngược lại những lời dạy của Đức Khổng ).

-Không dùng những cành chỉa thẳng lên trời, hoặc cắm thẳng xuống đất, mẹ của chúng ta, và không dùng những cành chỉa vào nhau ( trời, đất và người được xem là thiêng liêng, và chỉa vào nhau có thể xem là thô tục ).

-Không dùng những cành có hai nhánh mọc ra theo hai hướng ngược nhau. (Việc này sẽ tạo hiềm khích, ngược lại với nguyên lý hài hòa).

-Không làm gì ngược lại sự tăng trưởng của cây hoa. ( Hàm nghĩa ta phải thành thật với chính mình. ).

Trong một cái tô thấp, nhỏ, màu đen, bà giáo đặt một lá bắp nghiêng 45* và cạnh đó là lá cây huyết dụ (dracaena) và hoa freesia ( một loại hoa gốc Châu Phi, có hương thơm), và giữ sao không có khoảng cách nào giữa các cọng để gây cảm tưởng là chỉ có sự thuần nhất mà thôi. Muốn cho thấy những dạng khác, bà giáo cắt gai và tỉa một cành mộc qua (quince) và thay lá bắp bằng những vật liệu mới trong lúc giải thích những nguyên tắc sai no hana - một kiểu cắm hoa mang tính cách tôn trọng môi sinh- dành cho nghệ thuật cắm hoa vào thế kỷ thứ hai mươi mốt này, là dùng ít hoa đế tạo những đường nét đơn giản, thanh thoát. Bà giáo cắm hoa một cách tự tin, những cử động của bà dễ dàng và duyên dáng. Chỉ trong ít phút, bà đã hoàn tất việc cắm một bình hoa mà các thành phần tạo thành bồn hoa không đối xứng nhau. Điều này gây trong ta cảm giác bình yên, thanh thản. Nhìn ngắm công trình cắm hoa như vậy, người thưởng ngoạn nhớ tới lời lời dậy của trường phái Shingon rằng những sáng tạo nghệ thuật chính là những vị Phật, rằng thiên nhiên, nghệ thuật, và tôn giáo là một; rằng mọi người hàm chứa khai ngộ nơi bản tâm mình nhưng sống trong vô minh cho tới khi thức tỉnh.

Bà giáo tiếp tục viết hai mươi tám điều kị trên bảng trong khi học viên cần mẫn chép lại.

-Đừng cắm hoa để chúng chồng lên nhau. (Mỗi bông hoa, như mỗi con người tỏa sáng cho chính mình).

-Đừng cắm hoa thành hình mũi tên chỉa về phía khách của mình. (Điều này khiến ta liên tưởng đến bạo hành, và như vậy ngược lại với nguyên tắc hài hòa).

-Đừng dùng những cọng có cùng bề rộng, hãy nghĩ những cọng hoa như những dây đàn samisen. (Những bề dầy khác nhau làm ta liên tưởng tới những sắc độ khác nhau, là tinh hoa của những phức hợp).

-Hoa không dàn ra trước mặt khách như một tấm gương. (Hàm ý tự phô trương lộ liễu, thiếu khiêm tốn.).

-Không sắp hai lá trực tiếp đối nhau. Tỉa bớt một lá. (Tránh tranh chấp, vì như thế có thể dẫn tới ẩu đả).

-Không sắp hoa như thể chúng ôm lấy nhau. (Hãy đứng riêng mình, mạnh mẽ và độc lập).

Một khi những luật này được thiết lập, lớp học quay sang nhiệm vụ của thức morimono, một trong năm biến thiên của Bunjika. Bunjin có nghĩa là "người có văn hóa" và xuất xứ từ chữ Bunjinga, một trường phái vẽ du nhập vào đất Nhật từ thế kỷ mười tám. Bunjinga kết hợp tự do và phối trí và dàn cảnh trong lúc vẫn giữ những nguyên tắc nghệ thuật về cân đối và hài hòa. Cách cắm hoa này lấy những cách đặt tên cho tác phẩm bằng ý nghĩa tượng trưng của các loại hoa- chẳng hạn như thông được xem như tuổi trẻ miên viễn, và hoa hồng là mùa xuân bất tận- hoặc từ những bài thơ hay phong dao của Truộng Hoa. Cắm theo lối morimono thì dai ( khay bằng tre hoặc gỗ) được lấy ra từ một nhà kho lợp bằng những kèo gỗ dầy bằng thân cây với những kệ võng xuống dưới sức nặng của những bình gốm làm bằng tay.

Trên khay tre hoặc gỗ ấy ( nên nhớ là những dạng hình vuông không được chuộng lắm, vì quá cân đối), các học viên đặt một trái dưa qua một bên, xem xét cách phối hợp màu sắc, trình bày cà rốt, ớt, và nấm theo những hình thể bất cân xứng, và được lưu ý là những nhóm ba và năm tốt hơn là bốn hoặc sáu, và tuy thế nhóm hai vẫn được chấp thuận. Đắng đi với ngọt là tốt, màu chàm đi với màu đỏ là tốt - tất cả đều là một phần trong toàn thể tĩnh động.

Bài học cuối cùng của nghệ thuật cắm hoa có nguồn gốc tôn giáo nơi trường phái Saga cùng với sáu yếu tố của Phật Giáo Shingon: đất, nước, gió, lửa, không gian, và hiểu biết. Một cách tượng trưng thì sáu yếu tố này hàm chứa những khía cạnh khác nhau của bản thể - Phật; mỗi tố chất hoàn thiện phần riêng của mình mà vẫn không xa rời tổng hòa. Đất diễn tả núi và ruộng đồng nhưng cũng là xương, là thịt; nước là biển cả và sông ngòi nhưng cũng là máu và nước mắt; lửa cùng lúc là ánh sáng cùng với thân nhiệt; và gió là hơi thở.

Ta có thể dùng nhiều vật liệu khác nhau trong kiểu shogonka, nhưng trong bài học này bà giáo sử dụng những nhánh lau dài tượng trưng lửa và nước, một cành đỗ quyên đã tỉa (azalea) tựong trưng cho gió, những lá dương xỉ mịn màng cho đất, hoa loa kèn hồng cho khoảng trống, và huệ (lilies) vàng với tuyết tùng (cedar) cho hiểu biết. Những màu sắc tạo nên sự hài hòa, sáu yếu tố hợp thành một đơn vị năng động; toàn thể gây ấn tượng về sự hiệp nhất của xác thân và trí tuệ. Đắm mình trong sáng tạo theo lối cắm hoa shogonka là chiêm ngưỡng Phật qua phép ẩn dụ của thiên nhiên.

Khi hoa đã cắm xong, chúng được đặt trong những hốc tường để mọi người chiêm ngưỡng như một loại hình nghệ thuật gợi xúc cảm tâm linh.

Nghệ thuật Ikebana

Ikebana ra đời vào 14 thế kỷ trước, được nghĩ ra để tượng trưng cho một số quan niệm triết học của Phật Giáo tại Nhật Bản. Tuy nhiên, thời gian trôi dần qua, năng khiếu riêng của người Nhật đã làm cho nghệ thuật cắm hoa mất dần đi ý nghĩa tôn giáo ban đầu, và rồi đặc tính về thiên nhiên trong cách cắm hoa được nhấn mạnh.

Người ngoại quốc thường dùng các loại hoa với nhiều màu sắc, nhiều hình dạng vào việc trang trí, nhưng trong cách trang hoàng, người Nhật Bản còn dùng các lá cây, cành cây... Như vậy vật liệu dùng trong Nghệ Thuật Cắm Hoa không phải chỉ giới hạn vào màu sắc của bông hoa mà còn có vẻ đẹp nằm trong hình thể của lá và hoa, và trong sự tăng trưởng của hoa lá nơi thiên nhiên.

Hoa được ưa thích nhất là thứ đang mọc tự nhiên trong vườn hay nơi miền quê, vào lúc cắm hoa. Hoa lại được phối hợp với đám lá tự nhiên của thứ hoa đó, điểm thêm vào là một vài bụi cây con hay bụi hoa nhỏ mọc tự nhiên ở dưới nền.

Nghệ Thuật Cắm Hoa Nhật Bản đặt căn bản trên màu sắc, đường nét, sự nhịp nhàng hài hòa để cố gắng diễn tả cách tăng trưởng của hoa. Trong khi người Tây Phương luôn luôn nhấn mạnh vào các màu sắc và số lượng của vật liệu, hướng sự chú tâm vào vẻ đẹp của các bông hoa thì người Nhật Bản lại đặt nặng về các đường nét của cách xếp đặt, lối bố cục, và họ đã phát triển nghệ thuật cắm hoa bao gồm cả cành, cuống, lá cũng như hoa.


Cấu trúc tổng thể của một bình hoa cắm theo kiểu Nhật Bản dựa vào 3 đường chính tượng trưng cho Thiên , Địa , Nhân. Nguyên lý chủ đạo là Thiên (bông hoa chủ được cắm chính giữa tượng trưng cho bầu trời). Nguyên lý tùy thuộc là Địa (bông hoa tượng trưng cho mặt đất). Nguyên lý điều hòa là Nhân (bông hoa tượng trưng cho con người). Cần chăm chút hoa trên 3 phương diện là: Chân , Hành , Thảo. “Chân” là vẻ đẹp trang nghiêm của hoa. “Hành” tả vẻ uyển nhã của hoa trong buổi xế chiều. “Thảo” tả vẻ đẹp duyên dáng trong khuê phòng của hoa . Khi cắm hoa , tránh sự đối xứng vì vậy phải thường cắm theo số lẻ (3,5,7,9), các bông hoa ở thế so le , nhằm tạo những tam giác ko cân. Làm sao cho hoa phô bày tất cả vẻ đẹp, đồng thời gợi trí tượng tưởng nên thơ của con người, điều đó đòi hỏi trình độ thẩm mỹ, trình độ kỹ xảo cao. 

Ikebana , còn có tên Hoa Ðạo (Kado) có nguồn gốc từ nghi lễ dâng hoa trong các chùa để dâng cúng linh hồn người quá cố từ thế kỷ thứ 6 rồi dần dần được các nhà truyền đạo (Ikebono) truyền lại và trở thành nghệ thuật cắm hoa từ thế kỷ thứ 15 với nhiều trường phái khác nhau . Ảnh hưởng của thiền thâm nhập vào nghệ thuật nầy và biến việc cắm hoa trở thành một trong những phương pháp tu luyện tâm thức . Hoa đạo là một phương pháp loại bỏ ranh giới giữa chủ thể và khách thể . Ta và thiên nhiên có mối liên hệ chặt chẻ với nhau .” Ta chính là hoa và hoa cũng không khác ta ” . 
Trong hoa đạo người cắm hoa phải hoàn toàn nhập hồn mình vào hoa để sáng tạo những kiểu dáng tươi đẹp đem lại niềm vui thanh khiết cho người thưởng ngoạn . Nghệ thuật cắm hoa không theo những nguyên tắc cứng nhắc, trái lại phải có tinh thần tự do , khai phóng , phải thuận với không gian bố trí . Hoa chỉ là những bông hoa đơn giản , kể cả bình hoa cũng là những chai lọ thông thường trong nhà . Tính chất duyên dáng tinh tế trong nghệ thuật Ikebana nằm trong vẻ đẹp bất ngờ độc đáo khi phối trí hoa theo một hình thức tân kỳ.

Nghệ thuật Ikebana chú trọng về đường nét trong khi các quốc gia khác thì chú trong về hình thể và màu sắc . Ở Trung Hoa thì tìm những loài hoa quý và hiếm . Một cành hoa tầm thường phải được xếp đặt thế nào để tạo nên một đường chảy xuôi phối hợp với tính tự nhiên của nó . Ðiều nầy đòi hỏi sự hiểu biết của người cắm hoa về cách mọc tự nhiên của hoa lá, cũng như lòng yêu thiên nhiên của người đó trong mọi giai đoạn tăng trưởng của hoa lá cành. 
Phương pháp cắm hoa phải mang tính cách tượng trưng, mô tả, nhưng một số hình thể của hoa lá lại phải được phối hợp với phong tục, tập quán và văn hóa. Vật liệu dùng trong nghệ thuật Ikebana không chỉ giới hạn vào màu sắc mà còn có vẻ đẹp nằm trong hình thể của lá và hoa, và trong sự tăng trưởng của hoa lá nơi thiên nhiên. Bởi thế người cắm hoa phải dùng cả cành, cuống , lá trong việc trang trí . Dùng hoa mọc tự nhiên trong vườn hay trong thiên nhiên . Hoa được phối hợp với đám lá tự nhiên của thứ hoa đó, điểm thêm vào là một vài bụi cây con hay bụi hoa nhỏ mọc tự nhiên ở dưới nền. 
Không nên dùng hoa lá đã nở hết tầm cỡ, bởi vì các hoa lá được cắm vào lúc nở rộ nhất sẽ mau héo tàn, rủ xuống, tượng trưng sự suy tàn hay chấm dứt. Các cành cây có lá lớn hay các bụi cây nhiều lá cũng không được dùng đến, mà nụ lá, nụ hoa được ưa thích hơn, vì trong khi ở trạng thái nụ, vẻ đẹp của cành hoa không bị che khuất và trong khi dùng các nụ, người ngắm hoa có được niềm vui là ngắm nhìn chúng nở ra từ từ, chậm chạp… Nghệ thuật cắm hoa phải chú ý đến sự phát triển liên tục trong đời sống và phải diễn tả sinh lực của cuộc sống.

Trường phái Wafu
Trường phái Enshu 





Trường phái Aratame 
Cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, tháng, mùa, cũng như sự tăng trưởng liên tục của vật liệu sử dụng. 
Ví dụ 
Quá khứ: dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô. 
Hiện tại: dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo. 
Tương lai: dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới. 

Vật liệu sử dụng cũng cần phải đi đôi với cách xếp đặt, trình bày: 
Mùa Xuân: cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực. 
Mùa Hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy. 
Mùa Thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt. 
Mùa Đông: cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ. 

Triết lý tiềm ẩn trong nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản 
Cách cắm hoa được chia làm ba nhóm xếp đặt theo hình tam giác :nhóm thẳng ở giữa theo hình thẳng đứng , nhóm thứ hai nghiêng về một bên và nhóm thứ ba nghiêng về phía ngược lại với nhóm thứ hai. 
Có ba đường nét chính trong bình hoa tượng trưng cho Trời - Đất - Người ( Thiên - Ðịa - Nhân) . Ðường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho Trời (shin). Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, nên phải chọn cành hoa mạnh nhất . Cành thứ hai tượng trưng cho Người (shoe). Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển, bung ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính, lại có phần hơi nghiêng về cành chính. Cành thứ ba tượng trưng cho Ðất (kikae), là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Cột tất cả ba phần vào một bộ phận giữ và phải trình bày cho thấy sự xuất phát từ một nguồn gốc . Sau đó, các bông hoa khác được thêm vào mỗi phần nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính kể trên được coi là quan trọng nhất. 
Trong khi cắm hoa, người ta đặt chiếc khay đựng tất cả các hoa, lá, cành… về phía bên phải và bình hoa hay đĩa cắm hoa cách 60 phân trước mặt người cắm hoa. Nếu đặt đĩa cắm hoa gần hơn thì dễ cắm hơn, nhưng để có thể dễ nhận ra cách bố cục thì nên đặt bình hoa xa hơn một chút. Bình hoa cũng nên được đặt hơi cao hơn là hơi thấp, bởi vì nếu đặt thấp, người ta sẽ quen với cách nhìn xuống và ảnh hưởng mang lại sẽ khác khi bình hoa sau này lại được đặt trên cao. 
Nghệ thuật bảo dưỡng Hoa khi trưng bày. 
Hình dạng và kích cỡ bình hoa hay đĩa cắm hoa rất quan trọng bởi vì cách bố cục cũng tùy thuộc vào cỡ lớn , chiều rộng và chiều sâu của dụng cụ cắm hoa. 
Sau khi các vật liệu cắm hoa đã được chọn lựa, bước kế tiếp là cắt tỉa . Các cành hay hoa, dù mọc gọn gàng và thứ tự tới đâu, cũng có các phần dư thừa, đặc biệt là khi được dùng vào công việc sắp xếp một cách nghệ thuật. Vì thế chúng cần được tỉa bớt trước khi các cành được tập hợp lại với nhau. 
Để giữ cho hoa tươi mát, người ta dùng tới các phương thức vật lý và hóa học. Cách dễ nhất và đơn giản nhất là cắt cuống hoa trong nước (mizukiri). Phương thức này tránh cho cành hoa không bị cắt ngoài không khí làm kém đi sự hút nước. Về phương thức hóa học, một dung dịch loãng hydrochloric acid hay sulphuric acid sẽ làm sống lại hay làm tươi mát các bông hoa. Việc chà xát một chút muối vào đầu cuống hay cành hoa cũng mang lại kết quả tốt. 
Các bông hoa và cành lá cần được xếp đặt chắc chắn, vững vàng và thăng bằng, bằng cách uốn cành dựa chắc vào phần bên trong của bình hoa hay đĩa cắm hoa. Việc uốn cành cây này cần phải làm rất chậm chạp và cẩn thận, làm bằng hai tay, tránh sao cành hoa không bị bẻ gẫy. 
Cách cắm hoa cổ điển và phức tạp có từ xưa, gọi là rikka (hoa đứng). Lối cắm hoa nầy muốn biễu diễn cái cái vô cùng của trời đất, nên quy ước rằng hoa phải được cắm theo hình núi Sumeru, một ngọn núi huyền thoại của thế giới nhà Phật tượng trưng cho toàn vũ trụ. Các vật liệu được sử dụng cho lối cắm hoa này đều có tính tượng trưng. Cách nầy thịnh hành ở thế kỷ 17, nay không còn phổ biến nữa. 
Từ thế kỷ thứ 15 xuất hiện lối cắm hoa tự nhiên. Các ngôi nhà dù nhỏ đều có kotonoma - một không gian nhỏ thụt vào của căn phòng để đặt các đồ mỹ nghệ hay để cắm hoa. Các luật lệ cắm hoa theo đó trở nên đơn giản để mọi người đều có thể thưởng thức được. Cuối thể kỷ 16 có lối cắm hoa tự nhiên gọi là nageire (quăng vào) như là một phần của nghi lễ trà đạo. Ðây là kiểu cắm hoa gần gũi triết lý Thiền nhất rất đơn giản và không gò bó được tạo ra bởi trà sư Sen no Rikyu (1521-1591). Hoa được sử dụng trong trà đạo được gọi là chabana (trà hoa), chỉ cần một bông hoa trong một bình hoa để tạo nên cảm giác giản dị, thuần khiết, thanh tao.

Phong cách chabana 

Cắm hoa kiểu Nageire 



















Cắm hoa hiện đại ảnh hưởng nhiều đến văn hoá phương Tây. Cách cắm hoa moribana (một rừng hoa) đã mở đường tự do cho nghệ thuật cắm hoa, tìm cách thu nhỏ một phong cảnh hay một mảnh vườn. Đó là cách cắm hoa có thể thưởng thức được ở bất cứ đâu và thích hợp với mọi khung cảnh.
Ở Nhật Bản ngày nay có rất nhiều trường phái cắm hoa ,trong số đó có ba trường phái nổi tiếng : Ikenobo (cắm hoa theo truyền thống), Ohara (cắm hoa thành chùm ) và Sogetsu ( cắm hoa bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào và sử dụng bất cứ vật liệu gì ) …

Trường phái Ikenobo 

Trường phái Ohara 

Trường phái Sogetsu 
Cắm hoa theo cách Ikebana là hình thức nghệ thuật thiền sinh động trong đó người cắm hoa hòa nhập vào hoa để phát triễn một kiểu dáng mỹ thuật của riêng mình trong việc sử dụng tất cả các loại hoa, lá và bình cắm cùng những vật thể có dáng tự do như đá, mảnh gỗ … đều được phối họp tinh tế, cẩn thận để tạo ra một tâm trạng . Với một ít bông hoa nở , có thể diễn tả được sự trầm lặng và thư thái . Cảm hứng cắm một kiểu hoa đến từ Tâm Hư . Trong sự thanh thoát không gò bó làm cho ta thấy tự do trong cách cắm hoa , những sắc độ của đất trời , những bông hoa hồng rực rỡ của thiên nhiên , một cảm xúc bên trong là những cảm hứng tuyệt diệu cho một mẫu hoa nghệ thuật mang một thông điệp ấm áp tình người . 

Một số hình thể của hoa lá phải được phối hợp với phong tục, tập quán và văn hóa. Vào các ngày quốc lễ, lại có một số cách cắm hoa được ấn định trước và vào các dịp lễ hội, các nghi lễ gia đình có thể bị coi là thiếu đầy đủ nếu không theo cách cắm hoa thích hợp và không trưng bày thứ hoa thích hợp. Hoa Cúc trắng là hoa của ngày Tết đầu năm, trong khi vào ngày Tết Búp Bê (mồng 3 tháng 3), người Nhật thường dùng tới hoa Đào, và hoa Diên Vĩ (iris) là thứ hoa của ngày Tết Con Trai (mồng 5 tháng 5). 
Sự phát triển lịch sử của Nghệ Thuật Cắm Hoa Nhật Bản đã đi qua các thể cơ bản là thể Cổ Điển Rikka, thể Tự Nhiên Nageire và thể Cận Kim Moribana. 
Ngày nay tại Nhật Bản có nhiều trường phái cắm hoa. Các quy luật đặt ra bởi các trường phái này có thể khác nhau về quan niệm, về ý tưởng, về phương pháp... vì vậy mà có nhiều loại trường lớp dạy Nghệ Thuật Cắm Hoa. 

Các trường phái cắm hoa Nhật Bản 

Có hàng nghìn cuốn sách viết về hoa và nếu bạn theo dõi những cuộc tranh luận quanh một số cuốn sách ấy mới thấy người Nhật có một tâm hồn tinh tế thế nào trong cảm thụ thiên nhiên và nghệ thuật. 
Năm 1525, một cuộc thi hoa được tổ chức ở Kyoto, có lẽ đây là cuộc thi hoa đầu tiên trong lịch sử nước Nhật. Ngày nay, mỗi năm có tới hàng trăm cuộc triển lãm hoa. 
Hai môn phái cắm hoa tùy hứng (Nageire) và cắm hoa đứng (Rikkwa) đều mai một dần để môn phái sắp hoa (Ikebana) lên ngôi. Môn phái này lại chia ra ba chi phái chính là Ikenibo, Enshu và Aoyawa. Mỗi chi phái lại có ba kiểu thực(vrai), động (dynamique) và trôi (coulé) uốn hoa một cách gượng ép. Kiểu này gồm ba cành tượng trưng cho Trời, Đất và Người. Các cành phải giữ thế quân bình với nhau mới thành sự hài hòa của vũ trụ. Kiểu Động thì trình bày hoa cho linh hoạt. Phần dưới giống kiểu thực nhưng giữa các cành có chen ít nhiều cành nhỏ cho mềm mại. Kiểu trôi thường để trên khám thờ. Kiểu trôi diễn tả sự xuống dốc của đời người, cành hoa như oằn cong dưới sức nặng băng giá của mùa đông và mọi vật đang trôi về vực thẳm. 
Có từng giai đoạn các chi phái đấu tranh với nhau, tranh luận sôi nổi như tranh luận về hội họa ở phương Tây. Nhưng cuối cùng cách sắp hoa của trường phái Ikebana vẫn thích hợp với giới tư sản trung lưu hơn cả. 


Người Nhật còn có một đặc tính là yêu tất cả các loài hoa xấu số mọc ven đường, trên các bãi hoang. Lá cũng vậy, không có giống lá nào mà người Nhật không khám phá ra vẻ đẹp riêng của nó. 
Nhật Bản xuất bản các loại lịch hoa, từ điển hoa, chỉ ra mùa nào tháng nào loại hoa nào nở rực rỡ nhất. Số lượng hoa nhiều gấp bội, các nơi khác, chính vì những loại hoa dại cũng được người Nhật trân trọng đặt tên, lại còn đặt biệt hiệu, bí danh. 
Trên tất cả các loài hoa, hoa anh đào người Nhật quý trọng nhất, coi là quốc hoa. 

Đầu thế kỷ 20 xuất hiện trường phái Ohara vừa tìm cách sử dụng hoa châu Âu vừa khôi phục lối cắm hoa cổ truyền trong các đĩa dẹt, bình thấp. Để các cành lá đứng được trên mặt đĩa dẹt, người cắm hoa dùng một cái kenwan (bàn chông cắm hoa bằng kim loại) và từ đó nẩy sinh một phong cách mới là hoa kết chùm. Người ta còn dùng cả lông chim, sợi len, khúc thân cây tạo nên những bố cục có tính biểu cảm sâu sắc, đa dạng, vừa tự do vừa dựa vào những chuẩn mực nhất định, chú ý làm nổi vẻ đẹp của cây, hoa, lá hài hòa giữa chúng với bình, lọ cắm. Gần đây nhất, nhiều nghệ nhân lại lập ra môn phái cắm hoa mới gọi là trường phái văn minh đồng hóa. Phái này muốn tổng hợp hai nền văn minh Nhật Bản và phương Tây, hòa giải hai nước Nhật xưa và nay, cũ và mới. Môn phái này nhất quyết theo tinh thần hiện đại và chối bỏ tất cả kỷ luật mà các môn phái khác tự áp đặt cho mình. 

Rikka có 2 thể : thể cổ điển Rikka Shofutai và thể Hiện đại Rikka Shimputai nhưng về cơ bản đều có các phần : Shin, Shoshin, Soe, Uke, Nagashi, Mikoshi, Hikae, Do, Maeoki ; Rikka Shofutai bắt đầu phát triển từ thế kỉ 15 , nhưng Rikka Shimputai thì mới xuất hiện từ cuối thế kỉ 20. Về cơ bản bình cắm Rikka thường là loại bình dài , chiều cao khoảng 20_30cm. Ở Rikka Shofutai những điểm nhấn là cố định , trong khi đó Rikka Shimputai thì tự do hơn , không có sự cố định giữa Shin, Shoshin, Soe, Uke, Nagashi, Mikoshi, Hikae, Do, Maeoki.



Rikka Shimputai 
Rikka Shimputai 
Djiyuka
Djiyuka

Rikka 



Rikka 
Rikka Shimputai

Rikka Shimputai



Seika 

Seika 

Shinseika

Shinseika